Tất cả xe taxi cần phải lắp thiết bị giám sát hành trình?
Đối với taxi, có thành phố hạn chế, có tỉnh, thành thì không hạn chế. Vậy điều đó có gây ra tình trạng “nước chảy chỗ trũng” không thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Thực ra, không thành phố nào hạn chế theo nghĩa tuyệt đối cả. Vừa rồi Hà Nội có tạm dừng cấp phép, thực chất là để đánh giá, kiểm tra lại bởi dẫu sao nó cũng là phương tiện vận tải công cộng, là bộ mặt của thành phố. Việc các thành phố quy hoạch lại về giao thông cũng liên quan đến taxi. Như ở Hà Nội có đề án sắp xếp, quy hoạch lại taxi còn TP HCM có đề án quy hoạch vận tải công cộng, trong đó có taxi. Cả hai nơi đều có việc tạm ngừng để quy hoạch lại chứ không cấm. Việc ấy sẽ bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi chính đáng. Việc ấy không có nghĩa là không quan tâm đến taxi nữa mà có sự “trao đổi” với các doanh nghiệp kinh doanh taxi.
Có hiện tượng là các hãng taxi đăng ký tem hồng (dịch vụ vận tải) ở tỉnh khác rồi hoạt động kinh doanh ở Hà Nội. Ông có đánh giá gì về hiện tượng này?
Ông Khuất Việt Hùng: Đúng là có hiện tượng ấy, và chúng ta không thể tránh được, vì đây là lỗi ở các doanh nghiệp chứ không phải là lỗi của nhà nước. Tôi cho rằng hiện nay thường có tâm lý đám đông. Tức là thấy các doanh nghiệp taxi làm ăn có lãi thì ồ ạt đi kinh doanh taxi, đến khi nhà nước có các chính sách điều chỉnh, thì lại nghĩ rằng nhà nước cấm đoán, rồi có những phản ứng hay lách luật. Tôi cho rằng hiện nay thị trường taxi cũng tương đối bão hòa rồi. Nếu có càng nhiều doanh nghiệp thì lợi nhuận sẽ ít đi. Có nhiều doanh nghiệp cũng không quan tâm đến chất lượng dịch vụ mà họ chỉ quan tâm mua một chiếc taxi về, đưa cho tài xế rồi xem cuối tháng thu được bao nhiêu tiền. Một số hãng cho rằng họ làm ăn nghiêm chỉnh, nhưng thực tế với cách quản lý như vậy thì các lái xe làm ăn nghiêm chỉnh sẽ không thể nào tồn tại được, họ buộc phải gian lận trong việc tính cước với khách hàng. Vì vậy các doanh nghiệp làm ăn chính đáng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Có quy định là taxi đăng ký ở các tỉnh chỉ được đưa khách vào Hà Nội mà không được đón khách ở Hà Nội. Vậy làm thế nào để phân biệt được chuyện ấy?
Ông Khuất Việt Hùng: Tôi nghĩ rằng chẳng có cách nào phân biệt được. Ở nước ngoài người ta có việc giám sát hành trình và cho công bố công khai, vì vậy người dân biết xe nào được đón khách ở đâu. Nếu trường hợp đi ra ngoài địa bàn đăng ký thì phải có hợp đồng cả đi cả về. Còn ở ta thì vẫn có chuyện xe ở tỉnh lẻ vào Hà Nội đón khách.
Sau khi có được "Tem hồng", một số đơn vị đã đưa xe taxi về Hà Nội để hoạt động
Chung quy là do bị vướng chuyện hạn chế, dừng cấp mới “tem hồng” (tem được phép kinh doanh vận tải hành khách), nên một số đơn vị taxi mới lách luật như thế. Có cách nào quản lý không thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Việc ấy là do các doanh nghiệp họ không tuân thủ các quy định thôi. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không có giám sát hành trình tập trung thì không có cách nào quản lý được cả.
Tức là ông bi quan về việc quản lý được các hãng taxi?
Ông Khuất Việt Hùng: Về mặt công nghệ thì tôi không bi quan, nhưng tôi bi quan về việc chúng ta chưa thực sự sẵn sàng làm việc ấy. Bởi vì nhiều doanh nghiệp taxi không muốn điều ấy, họ muốn chạy ở đâu cũng được, miễn là có lợi nhuận. Xét về mặt thị trường, nếu tôi chạy xe và tôi chỉ đảm bảo cho quyền lợi và nghĩa vụ của mình, thì tôi sẽ thực hiện Luật Giao thông đường bộ với tư cách cá nhân. Còn nếu tôi kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh A, thì khi đó cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh A sẽ có trách nhiệm về chất lượng dịch vụ vận tải nói chung. Nhà nước có trách nhiệm ban hành luật pháp và giám sát quá trình thực hiện luật pháp. Khi sự cố xảy ra chúng ta hay đổ lỗi cho nhà nước không kiểm tra nghiêm ngặt. Nhưng khi nhà nước kiểm tra nghiêm ngặt, thì chúng ta lại nói rằng sao nhà nước lại làm quá như thế. Xét trên địa bàn từng địa phương, khi Sở GTVT có các quy định thì các doanh nghiệp nên tôn trọng quy định ấy và thực hiện quy định ấy.
Tôi tin vào công nghệ giám sát và tôi cho rằng sẽ quản lý được. Việc này sẽ tạo ra an toàn và có lợi hơn cho khách hàng đi taxi, bản thân lái xe và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi.
Ví dụ như taxi ở Hà Nội đăng ký vận tải ở Bắc Ninh nhưng thực tế lại hoạt động ở Hà Nội thì trách nhiệm thuộc về thanh tra giao thông của Hà Nội hay Bắc Ninh?
Ông Khuất Việt Hùng: Nếu Hà Nội để phương tiện của địa phương khác vận tải trên địa bàn Hà Nội thì đấy là trách nhiệm của thanh tra giao thông Hà Nội, bởi làm sao thanh tra Bắc Ninh sang đây làm việc được? Thanh tra Hà Nội có trách nhiệm xác định tất cả các phương tiện trên địa bàn Hà Nội, là đúng với các quy định do Sở GTVT Hà Nội quy định theo đúng Luật Giao thông đường bộ.
"Tem hồng" do Sở GTVT Vĩnh Phúc cấp nhưng hoạt động ở Hà Nội
"Tem hồng" do Sở GTVT Vĩnh Phúc cấp nhưng hoạt động ở Hà Nội
Trong ví dụ trên, Sở GTVT Bắc Ninh đã cấp phép thì cũng phải có trách nhiệm gì chứ?
Ông Khuất Việt Hùng: Nếu nói là liên đới thì cũng không sao. Nhưng không thể bắt như thế được bởi vì các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Bắc Ninh thì doanh thu sẽ đóng thuế trên địa bàn Bắc Ninh, người ta sẽ theo dõi trên địa bàn Bắc Ninh. Mỗi địa phương sẽ có trách nhiệm thi hành luật pháp trên chính địa phương đó. Những xe ấy vi phạm trên địa bàn Hà Nội thì đầu tiên sẽ do thanh tra giao thông Hà Nội chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ cần có nghị định ban hành bắt buộc tất cả các xe taxi phải lắp các thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị ấy phải được giám sát thường xuyên bởi các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn. Nếu có quy định như thế thì trong ví dụ trên, thanh tra giao thông Bắc Ninh mới làm được. Tôi nghĩ họ không có trách nhiệm trực tiếp mà chỉ có trách nhiệm không cho chủ doanh nghiệp ấy tiếp tục kinh doanh. Nếu họ cho chủ doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh thì lúc ấy họ sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Bởi vì họ trực tiếp ủng hộ doanh nghiệp vi phạm.
Còn trong trường hợp này, khi phát hiện ra các trường hợp vi phạm và xử phạt, tiền phạt sẽ được nộp cho Hà Nội thì đương nhiên trách nhiệm xử lý phải thuộc về Thanh tra GTVT Hà Nội chứ. Quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ mà. Còn về bản chất người nào thực hiện hành vi thì người đó chịu trách nhiệm. Ở các nước, người ta hay gắn với trách nhiệm cá nhân hơn là gắn với trách nhiệm phương tiện. Thế nên người ta hay tịch thu bằng chứ ít khi tịch thu phương tiện. Ở ta thì hay bàn đến việc phương tiện là tài sản nên việc tịch thu phương tiện sẽ làm người ta sợ, hành động ấy mang tính chất răn đe. Còn về mặt bản chất thì cá nhân vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện về việc nên tịch thu xe đua trái phép để tiêu hủy, hay phạt người đua xe trái phép. Bởi tôi nghĩ rằng những đối tượng đua xe có thể xem như khủng bố, bởi vì họ âm mưu gây rối trật tự công cộng và ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người tham gia giao thông.